Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

Tặng mái ấm tình thương cho hộ nghèo ở xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo

Ngày 4-12, ông Nguyễn Hữu Vận (thương binh 4/4) cùng vợ là bà Trần Thị Tư ở xã Phước Hòa, huyện Phú Giáo, đã tổ chức trao tặng mái ấm tình thương cho bà Lưu Thị Hảo, một hộ nghèo ở ấp 1B, xã Phước Hòa (ảnh)


Căn nhà được xây dựng trên diện tích 42 m2, nền lát gạch, tường tô, mái lợp tôn, tổng trị giá 74 triệu đồng, trong đó gia đình ông Nguyễn Hữu Vận ủng hộ 40,5 triệu đồng để xây tặng; số tiền còn lại do ông Vận kêu gọi mọi người ủng hộ.

Trước đó, gia đình ông Nguyễn Hữu Vận cũng đã ủng hộ 30 triệu đồng để xây dựng mái ấm tình thương cho hộ bà Nguyễn Thị Hường ở ấp 1B, xã Phước Hòa. Đồng thời, tổ chức trao 100 phần quà cho hộ nghèo và các cụ cao tuổi ở xã Phước Hòa; thăm và tặng 380 phần quà, gồm 1.000 quyển tập và quần áo thể dục cho các em học sinh nghèo ở vùng sâu, vùng xa ở xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.


Theo baobinhduong.org.vn

Thứ Sáu, 11 tháng 1, 2013

MUỐN GIÀU PHẢI LÀM TỪ THIỆN

MUỐN GIÀU PHẢI LÀM TỪ THIỆN
Ông không còn nhớ chính xác mình đã làm việc thiện từ lúc nào, mà nhớ mang máng dạo ông 30 tuổi, cuộc sống gia đình còn eo hẹp là ông đã giúp người. Ông làm việc thiện vì thấy những người nghèo khổ giống mình trước đây, giúp họ để họ được ấm no, có điều kiện vượt qua khó khăn. Đó là ông Võ Văn Hớn (Sáu Hớn) ở ấp Phụng Đức B, xã Phú Phụng huyện Chợ Lách tỉnh Bến Tre.
Tay trắng làm nên
      Ông Sáu Hớn nay đã hơn 70 tuổi, nhưng trông ông vẫn còn khoẻ mạnh, nói cười sang sảng, chắc có lẽ nhờ luôn hướng đến điều thiện trong cuộc sống chăng? Nhìn cơ ngơi của ông, sự thành đạt của các con ông bây giờ, có ai nghĩ rằng ông Sáu Hớn đã một thời nghèo “xơ xác”, phải đi làm thuê kiếm sống. Ông Sáu Hớn hãy còn nhớ như in cuộc đời mình của gần 40 năm về trước, và quãng đường lập nghiệp cho đến hôm nay.
       Sáu Hớn mồ côi cha, người mẹ nghèo tần tảo nuôi ông cho đến khi lập gia đình ở tuổi 20, bà cũng không có tài sản gì cho con. Hàng ngày, vợ chồng Sáu Hớn đi làm thuê kiếm tiền mua gạo sống qua bữa và tích lũy. Mười năm làm mướn, ông dư tiền mua được 3 công đất để trồng chôm chôm. Thời gian trôi qua, lần lượt 12 đứa con của ông bà ra đời. Để đàn con ấm no, ngoài làm vườn, vợ chồng ông dành dụm vốn đi buôn trái cây lên TP Hồ Chí Minh. Buôn bán thuận lợi, ông có thêm tiền mua đất. Đến năm 1995, Sáu Hớn đã có tài sản 50 công đất trồng chôm chôm. Nguồn thu hoa lợi từ vườn chôm chôm đem về cho gia đình ông mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

      Tuy nhiên, những năm sau này chôm chôm thường hay rớt giá khi vào vụ thu họach rộ nên thu nhập của gia đình ông giảm đáng kể. Ông nghĩ đến chuyện phải để cây chôm chôm có trái sớm hoặc muộn hơn so với mùa vụ để bán giá cao. Thế là ông mày mò tìm cách “khiển” cây chôm chôm ra trái theo ý mình. Và đầu năm 1999, vườn chôm chôm được ông “ép” cho trái sớm hơn bình thường gần 4 tháng. Cách làm của ông Sáu Hớn là cắt tỉa toàn bộ cành lá cho cây ra tược non, đến tháng 6 âm lịch thì tiến hành đậy tấm nhựa dưới gốc, không cho nước mưa thấm vào đất, tạo khô hạn nhân tạo để cây ra hoa, đậu trái. Và liên tiếp đến nay, ông xử lý vườn theo cách này để bán trái nghịch vụ. 5 ha đất trồng chôm chôm, sản lượng lên đến vài trăm tấn trái, lại bán giá cao nên năm nào ông cũng thu về hàng tỷ đồng.
Và giúp người khốn khó
Không biết từ khi nào, kể cả lúc còn nghèo ông Sáu Hớn đã thích làm việc thiện. Ông kể lại: “Thời tôi được 30 tuổi đã để dành tiền, lén vợ giúp người nghèo bằng cách liên hệ địa phương cho gạo, tiền nhưng không muốn ai biết mình cho. Vợ tôi có lúc sinh nghi tôi có mèo mỡ. Khi biết tôi làm việc thiện bà cằn nhằn con ở nhà đói không lo mà lo chuyện người ta. Tôi nói với vợ là mình giúp người nghèo giống như cho trời vay lấy lãi, sẽ gặp điều tốt. Nghĩ vậy mà tôi cứ làm. Riết rồi bà ấy cũng xuôi theo!”
Ở xã Phú Phụng, phần lớn bà con sống nhờ vào vườn trồng chôm chôm. Tuy nhiên, do ít đất lại thường xuyên gặp cảnh rớt giá nên còn nhiều hộ nghèo, nhà ở không được lành lặn. Ông Sáu Hớn biết vậy đã đến thăm và cho tiền để người nghèo xây nhà, đồng thời tận tình hướng dẫn cách chăm sóc để chôm chôm ra trái vụ nghịch. Tính từ năm 2000 đến nay, ông Sáu Hớn đã lấy tiền nhà hàng trăm triệu đồng cho hơn 200 hộ nghèo trong xã để bà con xây cất nhà ở và làm vốn phát triển sản xuất.
Không chỉ ở xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách và tỉnh Bến Tre, ông Sáu Hớn còn được chính quyền và người dân TP Hồ Chí Minh biết đến qua việc làm từ thiện. Những chuyến lên TP Hồ Chí Minh thăm người thân hay làm ăn, gặp hoàn cảnh nghèo khó, không một chút đắn đo, ông liền bỏ tiền ra giúp đỡ. Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM Lê Thanh Hải trước đây đã tặng ông bằng khen do có những đóng góp đối với Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo và người tàn tật của thành phố. Ông Sáu Hớn cũng đã trở thành thành viên Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo và người tàn tật tỉnh Bến Tre. Thông qua hội, mỗi năm ông giúp người nghèo 15 – 20 triệu đồng.
Tổ từ thiện Nhơn Hoà
Ông Sáu Hớn tính đến chuyện làm từ thiện thường xuyên hơn. Và nơi ông nghĩ đến là bệnh viện, vì ở đây nhiều gia đình nghèo có người thân bệnh tật rất cần được tiếp sức. Năm 2002, ông thành lập tổ từ thiện Nhơn Hòa (thành viên là người trong và ngoài đạo phật giáo Hòa Hảo) với hoạt động nấu cơm phát cho thân nhân nuôi bệnh và bệnh nhân nghèo. Mới đầu ông đến Bệnh viện huyện Chợ Lách, rồi Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre để xin chỗ hoạt động, nhưng không nơi nào đồng ý vì nhiều nguyên nhân. Ở tỉnh nhà không được, ông Sáu Hớn đến bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long xin thì nơi đây chấp nhận.
 
Ông kể lại: “Làm từ thiện tôi không tính toán, nhưng nghĩ đến bản thân là người con của Bến Tre, tôi lúc nào cũng muốn làm việc thiện giúp dân nghèo của quê mình. Vừa làm từ thiện ở Vĩnh Long, tôi vừa liên hệ tìm các bệnh viện ở tỉnh để xin chỗ. Rất mừng là sau khi đến Bệnh viện y học cổ truyền Trần Văn An thì lãnh đạo bệnh viện đồng ý và tạo điều kiện để tôi thực hiện mong ước giúp người”.
Năm 2004, tổ từ thiện Nhơn Hòa (vừa đổi tên là tổ từ thiện phật giáo Hòa Hảo tỉnh Bến Tre) chính thức chuyển về hoạt động tại Bệnh viện y học cổ truyền Trần Văn An cho đến ngày hôm nay. Ngày mới thành lập, tổ chỉ có khoảng 10 thành viên, nhưng với hoạt động có ý nghĩa thiện nguyện giúp người nghèo đã thu hút nhiều thành viên tham gia. Đến năm 2004, số thành viên của đã tổ lên đến vài chục người và chia làm 10 phân tổ, nay đã có đến 16 phân tổ, mỗi phân tổ có từ 6 – 7 thành viên phụ trách nấu cơm tại bếp ăn từ thiện của tổ ở bệnh viện một tuần và luân phiên xoay vòng.
Thành viên của tổ tùy theo cuộc sống của mỗi người mà đóng góp làm từ thiện. Riêng ông Sáu Hớn làm hậu thuẫn cho tổ, khi cần sẵn sàng bỏ tiền túi để tổ hoạt động không bị gián đoạn. Bình quân, mỗi ngày bếp ăn từ thiện của tổ nấu phục vụ miễn phí 3 buổi ăn sáng, trưa, chiều, từ 150 đến 200 phần ăn/buổi. Buổi sáng tổ phục vụ cháo, buổi trưa, chiều phục vụ cơm chay. Giá trị các buổi ăn của một người khoảng 13.000 đồng. Không chỉ phát cơm cho thân nhân, bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện y học cổ truyền mà bếp ăn còn phát cho hàng chục thân nhân người bệnh ở Khoa tâm thần của Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu đến xin. Ngoài nấu cơm, bếp ăn từ thiện còn nấu nước sôi phục vụ miễn phí khi bất cứ ai đến xin.
Giống như ông Sáu Hớn, mọi thành viên trong tổ từ thiện đều rất vui vì việc làm cao cả của mình. Anh Lương Văn Hiệp, thành viên tổ 16, nhà ở xã Thành Thới A huyện Mỏ Cày bộc bạch: “Tôi tham gia tổ từ lúc mới thành lập đến nay. Làm việc thiện, giúp được người nghèo thấy mình thoải mái, khỏe khoắn. Bây giờ mỗi lần gần tới tổ mình đi bệnh viện làm việc là tôi trông đến mất ăn, mất ngủ”.
Thành viên ban điều hành các tổ, anh Huỳnh Thanh Thới nhà ở xã Long Thới huyện Chợ Lách luôn có mặt cùng các tổ tại bệnh viện vui vẻ cho biết: “Tôi là dân làm vườn, nhưng mê việc làm từ thiện của chú Sáu Hớn nên theo chú mấy năm nay. Ở đây tiếp xúc, giúp được người nghèo thấy mình sống có ý nghĩa”.
Bà Võ Thị Đông ở xã Hòa Lộc huyện Mỏ Cày nuôi mẹ già bị bệnh tai biến mỗi năm phải đến bệnh viện điều trị từ 2 đến 3 tháng. Bà Đông nói: “Có bếp ăn này tôi mừng lắm, gia đình tôi nghèo, mấy năm nay mỗi lần vào đây tôi đều đến bếp ăn này xin cơm nước. Tính ra mỗi tháng tiền ăn, uống của tôi nếu mua bên ngoài chắc cũng tốn vài trăm ngàn đồng. Số tiền này tôi để lo thuốc men cho mẹ”.
Để tổ hoạt động thuận tiện, Bệnh viện y học cổ truyền Trần Văn An đã hỗ trợ chỗ nấu nướng, chỗ ở, hỗ trợ điện, nước, cho mượn xe chở gạo. Y sĩ Bùi Thị Thanh Yến, Trưởng Phòng hành chánh tổ chức cho biết: “Kể từ khi bếp ăn từ thiện của chú Sáu Hớn về hoạt động đến nay đã giúp đỡ rất nhiều gia đình bệnh nhân nghèo. Đặc biệt là đối với những người bệnh cần thời gian điều trị lâu, những phần cơm của tổ phần nào giúp bà con đỡ tốn kém chi phí ăn uống”.
Ông Sáu Hớn quan niệm “muốn giàu hãy làm việc thiện”. Ông cho biết, sẽ duy trì hoạt động của tổ lâu dài và ông đang tìm mở thêm bếp ăn từ thiện nhằm giúp người nghèo. Còn kinh phí hoạt động của tổ, ông cho biết ngoài sự ủng hộ của các mạnh thường quân, tất cả thành viên của tổ đều sẵn sàng góp vốn. Riêng ông và các con mỗi năm sẽ góp vài chục triệu đồng để mở rộng hoạt động từ thiện không chỉ dừng lại ở bếp ăn từ thiện. Với việc làm có ý nghĩa xã hội của ông Sáu Hớn, các thành viên tổ từ thiện đã được Trung ương Hội nông dân Việt Nam tặng bằng khen “Đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước – sống tốt đời đẹp đạo” giai đoạn 2000 – 2005. Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre, ngoài tặng bằng khen danh hiệu nông dân sáng tạo cho ông Sáu Hớn, còn tặng ông và tổ từ thiện bằng khen vì đóng góp bếp ăn từ thiện phục vụ bệnh nhân nghèo.